SẢN PHẨM
Nano bạc
Kit đo nhanh
Kit đo chất lượng nước
Kit an toàn thực phẩm
Lấy mẫu khí thụ động
Lấy mẫu khí chủ động
Electrochemical research accessories
Dụng cụ điện hóa
Sách, Hộp thí nghiệm hóa
Dịch vụ
Cá cảnh
Tư vấn

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC AO NUÔI TÔM

Ôxyhòa tan (DO)

Nước nuôi tôm phải đảm bảo ôxy hòa tan > 3,5 mg/l, nhưng tối ưu là > 5 mg/l.
- DO > 5 mg/l: tôm phát triển tốt.
- DO 3,5 - 5 mg/l tôm phát triển bình thường.
- DO < 3 mg: tôm phát triển chậm, khả năng miễn dịch kém.
- DO xuống 1,2 mg/l: tôm chết sau 10 phút.

Ôxy hòa tan vừa là dưỡng khí cho tôm, vừa là chất tham gia vào quá trình phân hủy thức ăn thừa và chất thải. Nếu thiếu ôxy thì tôm sẽ bị ngạt và trong nước sinh ra các chất độc như amôniac, suynphua hyđrô và nitrit rất hại cho con nuôi.

Nguồn DO và sự tiêu thụ DO

Tảo và ôxy

DO thay đổi trong ngày do hoạt động của tảo, vi sinh vật, do hô hấp của động thực vật. Tảo cung cấp 90% ôxy trong nước, và cũng là đối tượng tiêu thụ ôxy nhiều nhất về đêm. Tảo càng dày thì chênh lệch nồng độ ôxy giữa ban ngày và ban đêm càng lớn, ban đêm ôxy càng xuống thấp, nên phải kiểm soát mật độ tảo , đảm bảo độ trong 35 - 40 cm, đồng thời gia tăng quạt khí vào ban đêm. Ngoài ra, khi tảo quá nhiều thì ánh sáng không thể xuống sâu dưới nước, nên tảo chỉ tập trung trên bề mặt, dẫn đến lớp nước dưới thiếu ôxy.

Hình 1: Ảnh hưởng của mật độ tảo đến nồng độ ôxy theo chiều sâu (ban ngày) và theo giờ trong ngày

Ôxy và điều kiện thời tiết

Ôxy ở lớp nước mặt cao hơn ở lớp nước đáy. Khuấy đảo nước, tăng chuyển động của nước giúp lớp nước giàu ôxy trên mặt đi xuống phía dưới, tăng DO ở tầng đáy.

Độ hòa tan của ôxy giảm khi nhiệt độ và độ mặn tăng, nên nước nóng và mặn có ít ôxy hơn nước lạnh và nhạt. Do vậy ao sâu với nhiệt độ ít dao động sẽ dễ kiểm soát DO hơn ao nông. Khi trời quá nóng, DO giảm, tôm cá ngoi lên mặt nước để thở. Hiện tượng này được gọi là “ô nhiễm nhiệt”. Để khắc phục, có thể dùng lá nổi như lá dừa khô để che một phần ao, nhưng phải vớt ra khi nhiệt độ ổn định.

Vào những ngày âm u, tảo không thể quang hợp nên ôxy kém, do đó cần gia tăng quạt khí.

Sự thay đổi nồng độ ôxy hòa tan trong ngàyGiờ trong ngày

Hình 2: Biến thiên nhiệt độ và nồng độ ôxy ở lớp nước bề mặt và lớp nước sâu trong ngày.

Hình 3: Lượng thức ăn, độ trong và ôxy hòa tan nếu không có quạt khí.

Mưa làm nước phân tầng, nhất là khi đầm sâu và ít gió. Lớp nước mưa ngọt và nhẹ “nổi” trên lớp nước mặn phía dưới, dẫn đến sự thiếu hụt ôxy ở lớp nước dưới, do đó cần khuấy đảo nước trong đầm khi có mưa, còn khi mưa quá lớn thì phải xả bớt lớp nước mưa bề mặt.

Lượng thức ăn và ôxy hòa tan

Vi khuẩn, thức ăn thừa, phân, lá cây, xác chết…thối rữa tiêu thụ rất nhiều ôxy, lượng ôxy có thể giảm 2 - 3 mg/l trong 24 giờ.

Thức ăn tăng thì thức ăn thừa và chất thải tăng, ôxy càng giảm. Hình 3 cho thấy ôxy có thể giảm dưới mức an toàn khi lượng thức ăn lên trên 40 kg/ha/ngày nếu không quạt nước. Do đó, cần gia tăng quạt nước khi lượng thức ăn lên trên 30 kg/ha/ngày.

Trở về

BOD và COD

BOD (Nhu cầu ôxy sinh học) là lượng ôxy mà các sinh vật phù du và vi khuẩn tiêu thụ để chuyển hóa các chất trong nước. Giá trị này càng cao thì nước càng giàu sinh vật phù du và vi khuẩn. BOD trong ao nuôi thường dao động từ 5 - 20 mg/l. BOD thường được đo để biết mật độ sinh vật phù du và vi khuẩn. Nếu BOD lên đến 20 mg/l thì nguy cơ nước bị mất ôxy rất cao.

COD là lượng ôxy cần thiết để chuyển hóa các chất hữu cơ trong nước thành CO2. COD càng cao thì nước càng giàu các hợp chất hữu cơ, nghĩa là càng bẩn. COD trong nước dao động trong khoảng 10 - 200 mg/l và thường ở trong khoảng 40 - 80 mg/l.

BOD và COD ít khi được dùng để quản lý chất lượng nước trong quá trình nuôi, nhưng được dùng để quản lý nước thải. Việc xác định BOD và COD phải được tiến hành trong các phòng thí nghiệm có đủ điều kiện.

Trở về

Các biện pháp tăng ôxy hòa tan

  1. Lắp đặt hệ thống cấp dưỡng khí (Quạt khí, Bơm khí nén xuống ao qua ống có bầu phân tán khí). Quạt gió phải lắp dọc theo chiều dài của hồ. Gia tăng quạt khí sau khi cho tôm ăn, vào ban đêm, khi trời nắng gắt, và khi trời âm u.
  2. Thiết kế đầm tôm đủ rộng, ở nơi thoáng để hứng được nhiều gió.
  3. Độ sâu của đầm hợp lý, khoảng 1m – 1,5 m là vừa đủ.
  4. Đê bao không được quá cao để không cản gió.
  5. Không trồng cây trên đê bao, tránh lá cây, cỏ rụng rơi xuống đầm.
  6. Kiểm soát nồng độ tảo, độ trong 30 - 50 cm.
  7. Không cho tôm ăn dư.
  8. Thường xuyên hút chất thải và thức ăn thừa ra khỏi ao.
  9. Xả bớt nước mặt khi mưa to.
  10. Che mặt ao khi trời quá nắng nóng.
  11. Thay nước mới kịp thời khi ôxy xuống quá thấp.

Trở về

Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

CN 1: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP. HCM

CN 2: 595/208A Cách mạng tháng 8, P.15, Q.10, TP. HCM

Điện thọai: 08-39700106, Đường dây nóng: 0985714580