SẢN PHẨM
Nano bạc
Kit đo nhanh
Kit đo chất lượng nước
Kit an toàn thực phẩm
Lấy mẫu khí thụ động
Lấy mẫu khí chủ động
Electrochemical research accessories
Dụng cụ điện hóa
Sách, Hộp thí nghiệm hóa
Dịch vụ
Cá cảnh
Tư vấn

KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC AO NUÔI TÔM

pH, độ kiềm và độ cứng và khoáng chất

Có sự khác biệt rất lớn về pH, độ kiềm KH, độ cứng GH, khoáng Canxi (Ca) và Magiê (Mg) giữa nước lợ, nước ngọt, nước giếng khoan ở các vùng miền khác nhau; do đó việc quản lý chất lượng nước cũng khác nhau tùy từng trừng hợp.

Độ cứng ít thay đổi, trong khi độ kiềm KH và pH rất dễ thay đổi nhanh chóng, do đó cần kiểm tra pH hàng ngày, sáng (6 h sáng) và chiều (5 h chiều) và độ kiềm ba đến 5 ngày một lần để kịp thời điều chỉnh. Ngoài ra, mưa làm giảm pH, độ kiềm và độ muối đáng kể, do đó cần kiểm tra các thông số trên sau mỗi cơn mưa.

Kiểm soát độ pH

Để đảm bảo pH trong giới hạn cho phép thì việc chọn đất, chuẩn bị ao nuôi lẫn việc quản lý ao đều rất quan trọng.

pH dao động do nhiều yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng, tảo và vi sinh vật. Ban ngày, tảo hấp thu CO2 để quang hợp nên pH tăng; ngược lại, về đêm quá trình quang hợp ngưng, quá trình hô hấp thải ra CO2 nên pH giảm.  pH thấp nhất lúc hừng đông, cao nhất vào lúc mặt trời lặn. Để giới hạn ảnh hưởng này thì độ kiềm phải đảm bảo không dưới 100 mg/l.(Xem độ kiềm KH).

Thường gặp nhất ở đồng bằng sông Cửu long là pH thấp do đất phèn, còn pH cao gặp ở vùng miền trung, nơi đất sỏi đá khô cằn.

Tăng pH của nước

pH< 7 thường do xì phèn, mưa nhiều, tảo tàn và sự phân hủy cặn bã và thức ăn thừa hay cây lá. Amôniac giải phóng ra từ sự phân hủy thức ăn thừa, từ chất thải của con nuôi bị ôxy hóa thành nitrit và nitrat dẫn đến nước trở nên axit hơn, pH và độ kiềm đều giảm.

Thường xuyên hút chất thải, không để lá cây rơi xuống ao cũng là biện pháp ngăn chặn pH xuống thấp.

Tăng pH bằng tạt bột đá cacbônat CaCO3, bột đá Dolomite CaMg(CO3)2. Bón bột đá vôi làm tăng đồng thời pH và độ kiềm. Hai loại vôi bột đá vôi trên không bao giờ đưa pH lên trên 8,3 nên rất an toàn.

Tuy nhiên, các loại bột đá trên rất khó tan, và tan rất chậm trong nước lợ và nước mặn, nên hiệu quả xử lý kém và chậm. Hơn nữa việc bón vôi chỉ có tác dụng khi độ kiềm KH dưới 50 mg. Khi độ kiềm tổng trên 50 mg/l hay khi pH > 8,3 thì việc thêm các bột đá trên sẽ không còn tác dụng vì chúng không tan nữa.

Vì các lý do kể trên, thay vì dùng vôi thì nên dùng Na2CO3 (Sođa) vì sôđa tan rất nhanh, đồng thời cacbonat tăng độ kiềm cacbonat, giúp tôm tạo vỏ dễ hơn. Cũng có thể dùng vôi Ca(OH)2và CaO, nhưng phải hết sức thận trọng vì chúng làm tăng pH rất mạnh, đến mức có hại cho tôm cá.

Lượng vôi cần tạt phải được tính kỹ dựa trên phân tích nước và bùn đáy, vừa đủ, không thừa, để đạt hiệu quả và kinh tế, tránh dư không cần thiết. Nên tư vấn kỹ thuật viên nông nghiệp hay kỹ thuật viên hóa, nhưng tin cậy nhất là mang mẫu nước và đất đáy ao đến các phòng thí nghiệm của các viện hay trường đại học nhờ phân tích và tư vấn. Thêm chút chi phí phân tích và tư vấn, nhưng đạt hiệu quả và tránh được lãng phí là điều nên làm.

Cũng có thể tính lượng vôi hay Soda tối thiểu cần tạt dựa trên độ kiềm.

Lưu ý, phải pha các hóa chất trên vào nước ngọt rồi mới tạt đều khắp ao, đồng thời xục nước liên tục. Không phun hết một lần mà chia thành nhiều lần để tránh tăng pH đột ngột làm tôm sốc. Tạt lặp lại mỗi sáng, khi độ pH thấp nhất trong ngày, cho đến khi pH đạt 7,5.

Khi mưa lớn thì cần xả ngay lớp nước mặt để tránh giảm độ muối và pH.

Giảm pH của nước

Để giảm độ pH của nước thì dùng gỉ đường. Ngâm gỉ đường với men vi sinh rồi tạt khắp ao. Đường chuyển hóa thành CO2, làm giảm độ pH.

Trở về

Kiểm soát độ kiềm

Việc tăng độ kiềm được thực hiện như tăng độ pH. Tăng độ pH đồng thời làm tăng độ kiềm. Lượng Sôđa hay vôi tối thiểu cần dùng được tính như sau

Sôđa: Diện tích ao (m2) x mức nước (m) x 1,1 kg x độ kiềm tăng : 1000

Vôi: Diện tích ao (m2) x mức nước (m) x 0,8 kg x độ kiềm tăng : 1000

Ví dụ: ao 5 công (5000m2), mức nước 1,2 m, tăng độ kiềm từ 50 mg/l lên 100 mg/l; lượng sôđa hay vôi tối thiểu là

Sôđa: 5000 x 1,2 x 1,1 kg x (100 - 50) :1000 = 330 kg

Vôi: 5000 x 1,2 x 0,8 kg x (100 - 50) :1000 = 240 kg

Trở về

Kiểm soát độ cứng và khoáng chất

Nước lấy từ sông, kênh rạch: kiểm tra mỗi nửa tháng trong quá trình nuôi.

Nước giếng khoan: kiểm tra khi bơm nước lên, sau đó kiểm tra mỗi nửa tháng trong quá trình nuôi.

Thêm khoáng: bổ xung muối kali, canxi và magiê cho đến giá trị cần thiết ứng với độ mặn cụ thể. Việc bón vôi cho nước lợ và nước mặn cũng không làm thay đổi độ cứng bao nhiêu. Ví dụ, bón đá vôi 1,5 tấn/ha thì độ cứng cũng chỉ tăng 10 mg/l, không đáng kể so với độ cứng sẵn có của nước lợ.

Lượng khoáng bổ xung: tư vấn kỹ sư thủy sản hay kỹ sư hóa, ĐT: 0985714580.

Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

CN 1: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP. HCM

CN 2: 595/208A Cách mạng tháng 8, P.15, Q.10, TP. HCM

Điện thọai: 08-39700106, Đường dây nóng: 0985714580