SẢN PHẨM
Nano bạc
Kit đo nhanh
Kit đo chất lượng nước
Kit an toàn thực phẩm
Lấy mẫu khí thụ động
Lấy mẫu khí chủ động
Electrochemical research accessories
Dụng cụ điện hóa
Sách, Hộp thí nghiệm hóa
Dịch vụ
Cá cảnh
Tư vấn

 

CHUẨN BỊ NƯỚC, DIỆT TẠP, SÁT TRÙNG, DIỆT TẢO

1. LẤY NƯỚC

Để hạn chế cá tạp và các loại ấu trùng, nên bơm nước qua túi vải dày. Nếu nước được lấy qua ống thì cần gắn lưới thép mịn ở miệng ống. Với cách làm này sẽ không cần diệt tạp, mà có thể khử trùng nước trực tiếp.

Tuy nhiên, ao lắng là giải pháp tốt nhất. Không lấy nước trực tiếp vào ao nuôi mà lấy nước vào ao lắng. Nước sau khi khử trùng ở ao lắng mới được đưa sang ao nuôi. Bằng cách này, sẽ giữ được các vi khuẩn có lợi trong ao nuôi.

Trở về

2. DIỆT TẠP

Diệt tạp được áp dụng với nước cũ để loại bỏ cá tạp, cua, ốc và ấu trùng các loại ... Diệt tạp phải tiến hành trước khi diệt trùng. Với nước mới lấy, có lọc qua lưới mịn, thì có thể bỏ qua giai đoạn này. Tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật để diệt tạp mà nên dùng chế phẩm có nguồn gốc tự nhiên như Saponin, Rotenon (Dây thuốc cá), Nicotine (bột lá cây thuốc lá, thuốc lào). Các loại thuốc cá tự nhiên dễ bị phân hủy nên ít gây hại cho môi trường và con tôm, đồng thời không làm tăng pH, giúp tiết kiệm thuốc diệt khuẩn.

Trở về

Saponin

Saponin là chất tạo bọt, dễ phân hủy, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm chứa saponin là bột hay dịch chiết quả bồ hòn, quả bồ kết, cây hoa trà (camelia) và cây dứa dại Mỹ (Yucca) nên thường có tên với các từ SAPO, SAPONIN, YU, YUCCA, DEODOR, VIOKA, DORASE, ZUCA, TSP 15, DOMAX, DEOKEY, DEBAR...Saponin độc với loài máu đỏ, nhưng không độc vói loài máu lạnh như tôm.

  • Diệt tạp và nhuyễn thể: 10 - 20 kg/ 1.000 m3. Ngâm nước 12 giờ trước khi tạt. Cá bắt đầu chết sau khoảng 3-4 h. Tác dụng của saponin tăng khi độ mặn tăng.
  • Khử trùng, kích thích tôm lột vỏ. Liều dùng 1 – 15 kg/1.000 m3(Loại chứa 10% saponin). Thường dùng nhất là 10 kg/1.000 m3.
  • Saponin đi kèm cacbohydrat như tinh bột, dextrose, cám, gỉ đường...thúc đẩy vi khuẩn dị dưỡng phát triển. Các quần thể vi khuẩn này lại làm thức ăn cho tôm, do đó vừa làm sạch ao, vừa tận dụng được nguồn nitơ do tôm thải ra. Tuy nhiên, để thực sự có hiệu quả thì nồng độ của saponin phái rất là lớn.

Lưu ý khi đánh saponin

  • Chỉ sử dụng cho trong ao nuôi tôm khi tôm từ 1 tháng tuổi trở lên hay trước khi thả giống.
  • Nên đánh vào sáng sớm, khi trời không mưa, song song với quạt nước tích cực để đạt hiệu quả cao nhất. Không đánh vào ban đêm vì việc xử lý cần nhiều ôxy, có thể làm nước thiếu ôxy.
  • Không dùng khi tôm lột vỏ và đang yếu.

Bà con ta nên sử dụng saponin bột thì tốt hơn.

Hiện nay, do lợi nhuận nên một số chế phẩm saponin có hàm lượng saponin rất thấp hay không có và thay vào đó là bột giặt tổng hợp và thuốc trừ sâu có độc tính rất mạnh với động vật thuỷ sinh (thường là chất đã bị cấm), tuy nhà sản xuất vẫn ghi đầy đủ trên bao bì các thành phần saponin, rotenon. Loại chế phẩm giả này tác động rất nhanh, làm cho cá chết nhanh, nên bà con nông dân nhầm tưởng là chế phẩm tốt. Các chế phẩm này làm cá chưa kịp nổi lên đã chìm nhanh xuống đáy ao, khiến nước ao bị thối, mất nhiều công sức phục hồi ao....

Nhà nông cần cảnh giác khi mua saponin, cần lựa chọn những công ty có uy tín, sản phẩm có công bố chất lượng đầy đủ. Tốt nhất, nên gởi ít mẫu đi kiểm tra để chắc chắn chất lượng sản phẩm.

Nicotine - Bột lá cây thuốc lá và thuốc lào

Nicotine có nhiều trong lá cây thuốc lá, thuốc lào. Nicotine độc với cả tôm do đó chỉ được phép dùng trước khi thả giống, và phải sục khí thật tốt và chờ vài tuần cho nicotine phân hủy hoàn toàn. Liều dùng là 200 kg/ha bột lá thuốc lá.

Tuy nhiên lá cây thuốc lá và thuốc lào rất hiếm khi được dùng ở Việt nam.

Rotenone

Rotenon có trong rễ cây thuốc cá, lá và hạt của cây củ sắn (củ đậu), hạt cây thàn mát (Hà nội và Huế nhiều lắm), dây cóc kèn... Các loại cây này thường được dân gian dùng làm thuốc cá vì khi cho vào nước làm cá lờ đờ và nổi lên. Rotenon có bán trên thị trường ở dạng rễ và dạng bột; cũng như dạng tinh chất, nhưng giá khá cao. Rotenon không bền, bị phân hủy ở nhiệt độ cao, không tích tụ trong môi trường, nên thân thiện với môi trường. Liều Rotenon tinh để diệt cá tạp là 0,05 - 0,1 mg/l (0,75 - 1,5 kg/ha).

Rotenon thương mại thường chứa 5% rotenon. Liều dùng hiệu quả cho cá tạp là 2 g/m3 và 8 g/m3 cho lươn. Nếu dùng hạt cây thàn mát chứa 1% rotenon thì sẽ phải dùng 150 kg hạt/ha.

Đánh Rotenon vào lúc trời mờ sáng vì khi nước nóng lên thì rotenone sẽ bị phân hủy và mất tác dụng.

CuSO4.5H2O

Đồng sunphat được dùng phổ biến để diệt các loài nhuyễn thể như ốc, sò; cũng như dùng để diệt tảo. Loại thuốc này rất phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên bà con cần phải đánh thuốc đúng liều thì thuốc mới phát huy tác dụng. Ngoài ra cần hạn chế đánh đồng khi có con nuôi vì đồng rất độc với tôm cá.

Liều sunphát đồng cần đánh phụ thuộc vào độ kiềm. Độ kiềm càng cao thì thuốc cảng giảm tác dụng nên càng cần nhiều thuốc. Liều dùng được tính bằng 1% độ kiềm.

Cypermethrin

Cypermethrin là thuốc trừ sâu tổng hợp cực độc đối với thủy sinh vật, đặc biệt là nhóm giáp xác và côn trùng, được sử dụng để diệt giáp xác, cá tạp trong nguồn nước cấp cho ao nuôi tôm. Cypermethrin cũng được sử dụng trong ao nuôi cá để diệt ngoại ký sinh như: rận cá, nấm thủy mi, trùng mỏ neo, trùng quả dưa, trùng bánh xe, sán lá… Cypermethrin chậm phân hủy trong nước. Thời gian để phân hủy 90 % thì mất 45 ngày, 99% mất 105 ngày.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá chết khi đánh Cypermethrin do bị tổn thương mang, não, gan và thận. Tôm cũng cho thấy có hiện tượng hoại tử gan tụy do tác động của cypermethrin (Nguyễn Thị Hiền et al., 2011)

Do Cypermethrin gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và nông nghiệp nên ngày 16/01/2012 Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 03/2012/TT-BNNPTNT cấm sử dụng cypermethrin trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Tuy nhiên, để kiếm lợi nhuận lớn, cypermethrin vẫn được cho vào một số sản phẩm, mặc dù trên bao bì công bố là hóa chất khác. Bà con ta nên thận trọng khi mua các thuốc diệt tạp và các thuốc kích thích tôm lột vỏ nhanh. Nếu nghi ngờ, hãy gởi mẫu đi kiểm định. Tuyệt đối không dùng sản phẩm khi phát hiện có cypermethrin.

Trở về

Dây thuốc cá

Cây củ sắn

Cây thàn mát

Dây cóc kèn

3. KHỬ TRÙNG NƯỚC

Dùng thuốc sát trùng trong quá trình chuẩn bị cũng như quản lý chất lượng nước để tôm phát triển tốt là cần thiết. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không đúng cách sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi và sức khỏe tôm, thậm chí làm tôm chết.

Nhiều người nuôi tôm cho rằng, chất lượng nước suy giảm là do có quá nhiều vi khuẩn, do đó họ dùng các chất diệt khuẩn để diệt vi khuẩn nhằm cải thiện chất lượng nước. Những loại thuốc diệt khuẩn thường dùng nhất là polyvinyl pyrrolydone iodine (PVP iodine, povidone iodine), Formalin, Alkyl Dimethyl Benzyl Ammonium Chloride (Benzalkonium chloride, BZK, BKC, BAC, ADBAC). Ngoài ra, một số loại thuốc có tính ôxy hóa mạnh cũng được dùng để khử trùng, làm sạch ao.

Tuy nhiên, các tài liệu khoa học trên thế giới đã chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của vi khuẩn có hại là sự tích tụ bùn đáy. Giải pháp tốt nhất để cải thiện chất lượng nước là giảm lượng thức ăn, hút bùn đáy, tăng cường ôxy để phân hủy bùn đáy, và tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển để chấn áp vi khuẩn có hại. Sát trùng nước chỉ nên tiến hành trước khi thả giống và ở ao lắng. Cần hạn chế sát trùng trong quá trình nuôi.

Những điều cần lưu ý liên quan đến khử trùng nước.

  • Sát trùng phải được tiến hành 3 - 5 ngày trước khi thả giống để hạn chế tối đa mầm bệnh trong nước. Cần nhanh chóng gây màu nước, cấy vi sinh khi thuốc sát trùng hết (thường trước 48 giờ), và thả giống.
  • Từ khi thả giống đến 45 ngày; tôm còn nhỏ, rất yếu, hệ miễn dịch kém, và nhạy cảm với thuốc sát trùng, nhất là lúc tôm bệnh. Ngoài ra tôm nhỏ ăn tảo là chính, mà thuốc sát trùng diệt tảo và động vật phù du. Trong giai đoạn này, không nên dùng thuốc sát trùng.
  • Sau 45 ngày đến khi thu hoạch, tôm có sức chịu đựng cao hơn với thuốc sát trùng, nhưng vẫn cần cẩn thận với các thuốc sát trùng ngoại trừ saponin và thuốc tím ở nồng độ thấp. Chỉ nên sát trùng khi xung quanh có dịch bệnh, nước ao tôm dơ bẩn hoặc gần thu hoạch.
  • Người nuôi thường chỉ quan tâm tới giá cả và hiệu lực thuốc sát trùng và diệt tạp nhanh mà quên mặt trái của chúng. Thuốc sát trùng mạnh diệt tảo, vi sinh vật, cả có lợi lẫn có hại. Tảo chết tiêu thụ nhiều ôxy để phân hủy, pH trong ao giảm, khí độc tăng làm tôm giảm ăn. Ngoài ra, tôm thường bỏ ăn ngay sau khi đánh thuốc sát trùng do bị sốc hóa chất, hệ miễn dịch suy giảm và dễ nhiễm bệnh. Do đó, thuốc sát trùng mạnh không phải là lựa chọn tối ưu trong quá trình nuôi tôm.
  • Sau khi sát trùng nước thì vi khuẩn gây hại sẽ nhanh chóng bùng phát trở lại. Vì thế, cần phải cấy vi sinh có lợi ngay sau 48 giờ để giúp các vi khuẩn có lợi tạo quần thể ưu thế trước, từ đó khống chế mật độ vi khuẩn gây bệnh dưới mức nguy hiểm.
  • Nên dùng thuốc sát trùng có nguồn gốc thiên nhiên khi ao đã có tôm.
  • Phải đánh đủ liều thuốc. Không đánh thiếu, vì không có tác dụng mà còn làm cho vi khuẩn lờn thuốc.

Chlorine

Chlorine là chất khử khuẩn phù hợp nhất để chuẩn bị nước. Các loại thuốc chứa Chlorine là nước Javen NaOCl, Chlorua vôi (CaOCl2), canxium hypoclorite (Ca(OCl)2), Chloramin B (sodium N-Chlorobenzenesulfon-amide), Chloramin T (sodium chloro-4-methylphenyl sulfonylazanide), Sodium dichloroiso -cyanurate (NaDCC), và Sodium trichloroiso -cyanurate (NaDCC).

Tuy nhiên, cần tránh dùng sản phẩm chứa Chloramin T. Chất này không được phép dùng trong thủy hải sản ở Mỹ và châu Âu, do nó ngấm vào máu, dịch, và ruột con nuôi; rồi nhanh chóng chuyển thành chất độc p-toluen sulphonamid (p TSA).

Chlorine được bán dưới dạng dung dịch nước hay dạng bột. Không nên mua thuốc dạng lỏng vì rất khó xác định nồng độ thực sự trong chế phẩm bằng cảm quan như màu sắc hay mùi, do đó nhiều nhà sản xuất trục lợi bằng cách pha nồng độ rất thấp. Hơn nữa, Chlorine trong dung dịch sẽ bay dần vào không khí, nên tác dụng giảm theo thời gian lưu trữ. Với dạng bột, cũng nên mua loại tinh khiết của các hãng uy tín như BASF.

Hoạt tính của các thuốc chứa chlorine được tính bằng phần trăm Chlorine trong mỗi chế phẩm. Hàm lượng Chlorine của nước Javen là 4 - 5 %, của CaOCl2 là 35-38%, Chloramin B là 28 %, NaDCC là 55 - 60 %. Để biết loại nào kinh tế hơn, ta tính như sau:

Với thuốc dạng bột

Giá Chlorine/kg = Giá thuốc/kg : % Chlorine × 100

Nếu các thuốc ở dạng nước thì tính như sau

Giá Chlorine/kg = Giá thuốc/kg : % Chlorine : % thuốc × 10000

Ví dụ:

  • CaOCl2 chứa 30% chlorine, giá 40.000/kg: Giá Chlorine là 40.000 : 35 × 100 = 114.000/kg,
  • Chloramine B chứa 28% chlorine, giá 120.000/kg: Giá Chlorine là 120.000 : 28 × 100 = 429.000/kg,
  • NaDCC chứa 55% chlorine, giá 120.000/kg: Giá Chlorine là 120.000 : 55 × 100 = 218.000/kg.
  • Thuốc nước 10 % Chloramine, giá 120.000 đ/l: Giá Chlorine là 120.000 : 10 : 28× 10000 = 4.290.000

Như vậy, so với Chloramine B, Clorua rua vôi rẻ bằng 1/4, tiết kiệm được 75% chi phí; còn NaDCC thì tiết kiệm được nửa tiền, nghĩa là giảm 50 % chi phí. Nói chung, clorua vôi rẻ nhất, nhưng khó dùng vì nhiều khi không tan hết. NaDCC có % Chlorine cao, nên khả năng khử trùng mạnh; tuy nhiên, Chlorine giảm rất nhanh, nên cần đánh 2 lần. Còn thuốc nước thì siêu đắt.

Để đảm bảo diệt mầm bệnh thì nồng độ Chlorine tự do phải không dưới 3 mg/l. Cùng khối lượng thuốc, nhưng lượng Chlorine tự do phụ thuộc vào pH. pH càng cao thì Chlorine tự do càng ít, càng cần nhiều thuốc. Do vậy, không nên tăng độ kiềm và pH trước khi đánh Chlorine.

Phần trăm Chlorine tự do trong Chlorine được cho trong bảng

pH 6 6,5 7,0 7,5 8,0 8,5 9,0
% Chlorine tự do 95 90 73 50 23 9 3

Lượng thuốc cần đánh (kg/ha) = 30 : % chlorine : % Cholrine tự do × 10000 + Nhu cầu Chlorine

Ví dụ: pH = 7,5; Thuốc có hàm lượng Chlorine 60%. Lượng thuốc cần thiết = 30 : 60 : 50 × 10000 = 100 kg/ha + Nhu cầu Chlorine.

Nhu cầu Chlorine là lượng Chlorine cần thiết để ôxy hóa các chất hữu cơ có trong nước, và tùy thuộc vào độ bẩn của nước. Để xác định chính xác nhu cầu Chlorine thì cần gởi mẫu đi kiểm định. Nếu không có giá trị này thì cứ tạm cho Nhu cầu Chlorine là 100 kg/ha.

Hàm lượng Chlorine công bố trên bao bì sản phẩm nhiều khi khác so với thực tế. Do đó, nên gởi mẫu kiểm định trước khi đánh để tính lượng thuốc cho đúng.

Khử trùng dụng cụ cần nhiều Chlorine hơn, 80 -100 ppm (80 – 100 kg/m3) Chlorine hoạt động.

Chlorine tồn dư độc đối với tôm, cá và các loài thủy sinh. Do đó, sau khi khử trùng phải chờ sạch Chlorine hoặc sục khí mạnh trong 3-5 ngày trước khi thả giống. Xác định Chlorine dư bằng kit đo Chlorine. Có thể khử nhanh Chlorine bằng Na2S2O3·5H2O (Hipo). Để loại bỏ 1 mg/l Cl cần 7 mg/l Hipô. Lượng Hipô được tính như sau

Lượng hipo (kg/ha) = 70 × độ sâu × Nồng độ Chlorine dư (mg/l)

Lưu ý, không xử lý Chlorine trong quá trình nuôi, vì sẽ hại cho con nuôi. Sau vụ nuôi cũng không nên xử lý Chlorine ngay vì nước ao rất giàu các chất hữu cơ nên hiệu quả diệt khuẩn kém. Hãy chờ một thời gian, để các chất trong ao phân hủy bớt rồi mới xử lý Chlorine.

% Chlorine tự do càng cao khi pH càng thấp; do đó sáng sớm, khi pH trong ao thấp nhất, là thời điểm thích hợp nhất để tạt Chlorine. Dùng cây gỗ khuấy để hòa tan Chlorine bột vào nước trong xô rồi phun đều xuống ao. Chạy máy sục khí lúc phun để Chlorine phân tán đều trong ao lúc phun, nhưng ngừng lại sau đó, nếu không Chlorine sẽ mất vào không khí.

Dùng Chlorine diệt khuẩn có lợi là Chlorine sẽ bị phân hủy trong môi trường thành chất vô hại, không ảnh hưởng đến môi trường sau này. Các chất trên cũng là các chất dùng để xử lý nước sinh hoạt trong các nhà máy nước.

Iodine

Iodine có tác dụng sát khuẩn, được dùng phổ biến trong y tế, và trong thủy sản trước đây. Iôt là chất rất độc cho cá và môi trường, khó phân hủy hơn Chlorine, tác dụng mạnh với các chất hữu cơ. Iôt chủ yếu được dùng ở dạng phức Pyrrolydone Iodine (Polyvidon Iodine, ); phức này giải phóng dần iôt nên ít độc hơn chính Iodine. Polyvidon Iodine thường dùng để sát khuẩn dụng cụ ở trại giống và nhà máy chế biến hơn là sát trùng nước ao nuôi. Trong môi trường nước giàu hữu cơ như nước nuôi tôm cá và nước lợ thì tác dụng của iôt bị giảm mạnh. Việc dùng iôt sát trung trong lĩnh vực thủy hải sản đã bị hạn chế ở một số quốc gia.

Formalin (Formol - dung dịch 37- 40% trong nước)

Formalin được dùng để trị các ký sinh trùng và bệnh ngoài da của cá, nhất là cá nước ngọt với hàm lượng 25-50 ppm. Có thể dùng để khử trùng nước với hàm lượng 10-15 ppm (10 - 15 kg Formal /1000 m3). Để khử trùng dụng cụ ở các trại giống thì cần nồng độ cao 200 ppm. Tuy nhiên, không nên dùng cho ao tôm.

Alkyl Dimethyl Benzyl Ammonium Chloride (Benzalkonium chloride, BZK, BKC, BAC, ADBAC)

Đây là thuốc diệt côn trùng, có tác dụng sát khuẩn, nấm mốc và các loài phiêu sinh cực mạnh, có tác động rất nhanh - gần như tức thời, và là chất cực độc với cá; nhà nông thường dùng để khử cá tạp, tiệt trùng, diệt tảo và kích thích tôm lột vỏ. Theo tài liệu của EPA Hoa kỳ, chất này rất bền, không bị phân hủy và tích tụ dần trong đất, làm đất mất các vi khuẩn có lợi, gây hại về lâu dài. Dùng loại thuốc tổng hợp này thì tôm sẽ khó lột vỏ.

Liều dùng diệt khuẩn: 1 - 5 kg/ 1000 m3 mới có tác dụng.

Bà con ta thường dùng BZK để hạn chế tảo. Tuy nhiên, nếu đánh thuốc này ở một góc ao hay dùng liều lượng thấp 0,1 - 0,5 g/m3 thì sẽ không có tác dụng. Còn nếu dùng liều lượng quá lớn thì các loài thủy sinh sẽ chết và phân hủy, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến con nuôi.

Lưu ý là Alkyl Dimethyl Benzyl Ammonium Chloride không phải là Chlorine nên không thể kiểm tra bằng các kit do nhanh Chlorine mà phải xác định bằng các phương pháp phân tích hiện đại trong các phòng thí nghiệm.

Glutaraldehyde (1,5 Pentanedial)

Glutaraldehyde là chất diệt khuẩn cực kỳ mạnh, nhưng cực kỳ độc cho động vật thủy sinh và người. Theo quy định mới nhất của châu Âu, Glutaraldehyde không được phép sử dụng làm chất diệt khuẩn trong nông nghiệp. Tuy nhiên ở các quốc gia châu Á, người ta vẫn dùng Glutaraldehyde riêng lẻ hay đi kèm với BKZ với mục đích hạ giá sản phẩm để thu nhiều lợi nhuận hơn.

Bà con ta không nên sử dụng sản phẩm có chứa Glutaraldehyde.

EDTA (Disodium Ethylene Diamine Tetraacetate)

EDTA có công dụng

  • Giảm nồng độ các iôn kim loại nặng tự do có hại cho tôm.
  • Giảm váng phèn vàng, đảm bảo sự phát triển của tảo. Nồng độ cho nước nuôi tôm ấu trùng là 10 mg/L, đánh trước khi thả giống.
  • Kích thích lột vỏ, dùng với hàm lượng 1 – 5 mg/l.
  • Sát trùng nếu dùng với hàm lượng 5 – 10 mg/l.

Bromine (C5H6O2N2Br2, DBDMH, 1, 3-dibromo-5, 5-dimethyl hydantoin)

Là chất khử trùng, diệt khuẩn trong môi trường nước, thường được dùng để sát trùng dụng cụ .

Potassium Monopersulfate (2KHSO5.KHSO4.K2SO4) và Potassium Persulphate (K2S2O8)

Đây là các chất ôxy hóa cực mạnh, nên được dùng để diệt khuẩn, nguyên sinh động vật, nấm có trong nguồn nước ao lắng. Dùng để xử lý nước, dọn tẩy ao.

Sodium carbonat peroxyhydrate (2Na2CO3·3H2O2)

Chất này khi tan trong nước giải phóng ôxy, được dùng làm chất khử khuẩn cũng như chất cung cấp oxy cho ao trong trường hợp cấp bách, thiếu ôxy, tôm nổi đầu. Tuy nhiên, quạt khí vẫn hiệu nghiệm hơn cả. Để tăng 1 mg/l ôxy thì cần 20 kg/1000 m3 tương đương với 300 kg/ha (nước sâu 1,5 m).

Trở về

4. THUỐC GIẢM TẢO

Các nhóm tảo có hại hàng đầu trong ao nuôi tôm cá là tảo lam (Cyanobacteria), tảo vàng (Prymnesium parvum) và nhóm tảo mắt Euglenoids.

  • Sản sinh độc tố giết chết tôm.
  • Tảo chết làm cạn kiệt nguồn oxy hòa tan.
  • Làm chết các loài tảo có lợi trong ao nuôi và trong chuỗi thức ăn.

Các loài tảo này xuất hiện do nước phú dưỡng, nghĩa là nước bẩn, nhiều chất thải và thức ăn thừa. Do vậy khi xuất hiện các loài tảo này thì cần phải dùng thuốc diệt tảo.

KMnO4 - thuốc tím

Thuốc tím với nồng độ 2 mg/l (ppm) có thể diệt được một số bệnh do tảo. Tuy nhiên, trong nước có nhiều chất cũng tiêu thụ thuốc tím nên lượng thuốc tím thực sự cần thiết sẽ lớn hơn hai hay thậm chí nhiều lần. Lượng thuốc tím do các hóa chất trong ao tiêu thụ được gọi nôm na là nhu cầu thuốc tím. Nhu cầu thuốc tím là lượng thuốc tím cần thiết cho vào 1 lít mẫu nước để sau 30 phút thì nước màu ánh hồng nhạt. Cộng nhu cầu thuốc tím với 2 mg/l ta sẽ được nồng độ thuốc tím cần thiết để khử trùng. Không nên dùng dư vì sẽ gây hại cho con nuôi sau này.

Xác định nhu cầu thuốc tím bằng cách cân 100 gam thuốc tím, pha vào 10 lít nước sạch ta được dung dịch gốc 10.000 ppm. Lấy mấy chai PET trong, cho vào mỗi lọ 1Lít mẫu nước cần kiểm tra và dùng ống tiêm 1 ml lấy 0,1 - 0,2 - 0,3 - 0,4 ml... thuốc tím cho vào lần lượt các chai, ta được nước với các nồng độ thuốc 1, 2, 3, 4 mg/l.... Lắc và chờ đến khi thấy lọ nào có ánh hồng nhạt thì lấy nồng độ trong lọ đó làm nhu cầu thuốc tím.

Thuốc tím phát huy tác dụng ở pH thấp, do đó nên đánh vào sáng sớm khi pH thấp.

CuSO4.5H2O - Sunphát đồng

Công dụng

  • Sát trùng, diệt ký sinh trùng ngoài da trên cá: 40 - 50 mg/l tắm cho cá 20 - 30 phút.
  • Khử trùng roi cho tôm: 2 mg/l .
  • Hạn chế sự phát triển của tảo 0,05 - 0,1 mg/l ở độ kiềm dưới 50 mg/l. Nếu nước có độ kiềm lớn hơn thì cần dùng lượng lớn hơn. Tảo chết sẽ thối rữa rất nhanh làm nồng độ ôxy hòa tan giảm, nhưng sau đó tảo phục hồi lại rất nhanh.
  • Diệt các loại giáp xác. Thông thường lượng sunphat đồng cần thiết để giết giáp xác bằng 1% độ kiềm.

Các động vật thủy sinh rất nhạy cảm với sunphat đồng. Nếu độ kiềm dưới 20 mg/l, thì việc xử lý bằng muối đồng với hàm lượng 0,5 - 1,0 mg/l sẽ làm con nuôi chết hàng loạt. Không nên xử lý bằng muối đồng nhiều lần vì đồng tích tụ trong bùn và gây hại lâu dài cho tôm cá.

Trở về

Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

CN 1: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP. HCM

CN 2: 595/208A Cách mạng tháng 8, P.15, Q.10, TP. HCM

Điện thọai: 08-39700106, Đường dây nóng: 0985714580