SẢN PHẨM
Nano bạc
Kit đo nhanh
Kit đo chất lượng nước
Kit an toàn thực phẩm
Lấy mẫu khí thụ động
Lấy mẫu khí chủ động
Electrochemical research accessories
Dụng cụ điện hóa
Sách, Hộp thí nghiệm hóa
Dịch vụ
Cá cảnh
Tư vấn

 

QUẠT NƯỚC VÀ SỤC KHÍ

Tác dụng của quạt nước

Quạt nước có tác dụng cấp ôxy cho nước. Ba loại máy quạt nước phổ biến hiện nay là guồng quạt nước, máy khuấy chân vịt và hệ thống phân tán khí với máy nén khí. Loại đầu thích hợp cho ao nuôi lớn, loại thứ ba thì thích hợp cho bể nhỏ hay hào có mái che. Loại thứ hai ít được dùng vì dễ khuấy đảo bùn.

Guồng quạt nước có hiệu suất cấp ôxy cao nhất, giá lại rẻ, nên được sử dụng phổ biến nhất.

Có 3 loại cánh cho guồng quạt nước là cánh nhựa chữ nhật, cánh muỗng và cánh lông nhím.

Hiệu quả cấp ôxy
Loại máy

kg O2/KWh)

Guồng quạt khí 2,13
Máy khuấy dạng chân vịt 1,58
Hệ thống phân tán khí 0,97

Để tiết kiệm năng lượng, nhiều nhà nông áp dụng chế độ "quạt khí cấp bách", chỉ quạt khí khi ôxy xuống dưới 3 mg/l, và tắt quạt khi ôxy trên 5 mg/l. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi phải có cảm biến ôxy kết nối với quạt khí, tự động bật tắt quạt khi cần, và thường chỉ được áp dụng khi nuôi tôm mật độ thấp ở những vùng khí hậu ôn hòa, không lạnh cũng như không nóng. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các ao tôm áp dụng chế độ "quạt khí cấp bách" luôn cho sản lượng thấp hơn so với ao quạt được nước liên tục và cùng một chế độ thức ăn.

Ngoài cung cấp ôxy, quạt nước còn có tác dụng

  1. Khuấy đảo nước, đảm bảo cân bằng nhiệt độ, độ mặn và ôxy ở lớp nước mặt và lớp nước dưới; tránh hình thành điều kiện yếm khí gây tích tụ khí độc ở tầng đáy, cũng như sự chênh lệch nhiệt độ và độ muối có thể làm tôm sốc. Điều này rất quan trọng ở những nơi nóng và nhiều mưa.
  2. Giữ thức ăn lơ lửng, không cho lắng xuống đáy ao, tiết kiệm được thức ăn.
  3. Giữ cặn bã và thức ăn thừa lơ lửng, tiếp xúc nhiều hơn với ôxy, tạo điều kiện cho các vi khuẩn dị dưỡng phát triển. Các vi khuẩn này tiêu thụ amôniac và cácbohydrat từ thức ăn thừa. Kết quả là nước được làm sạch.
  4. Đẩy một phần các khí có hại như N2, CH4, NH3, H2S ra khỏi nước vào không khí.
  5. Giúp hóa chất và vi sinh dùng để xử lý nước phân tán đều trong ao.
  6. Bố trí quạt nước hợp lý còn có tác dụng tạo dòng xoáy, gom chất thải và thức ăn thừa vào giữa ao để dễ dàng siphon ra.
  7. Kích thích tôm bắt mồi do tập tính ưa dòng chảy của tôm.

Trở về

Công suất và bố trí quạt nước

Mô hình trên máy tính và thử nghiệm thực tế cho thấy tốc độ quay 75 - 80 vòng trên phút, cánh ngập trong nước 9 - 12 cm có hiệu suất cấp ôxy lớn nhất, đỡ tốn điện nhất. Cánh quạt càng ngập sâu dưới nước và tốc độ quay càng lớn thì lượng điện tiêu thụ càng cao và hiệu suất bơm ôxy càng giảm. Các cánh quạt nước phải lắp so le nhau để quạt nước chạy êm, ít rung, ít hỏng, kéo dài tuổi thọ.

Số lượng máy, công suất máy và vị trí của máy trên ao phụ thuộc vào hình dạng của ao và sản lượng tôm dự tính. Việc tính toán công suất máy và cách bố trí các guồng nước rất quan trọng, giúp quạt nước đạt hiệu quả cao nhất, giảm rủi ro, tăng năng suất tôm.

Theo báo cáo của các nhà khoa học trên thế giới tổng hợp từ các tính toán kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi thủy hải sản ở nhiều quốc gia thì không cần cung cấp ôxy nếu con nuôi dưới 2.000 kg/ha, và thêm mỗi 500 kg/ha sẽ cần bơm 1 kW/ha. Ví dụ: ao tôm 5 công với sản lượng tôm khi thu hoạch dự tính 10.000 kg/ha thì sẽ cần tổng công suất là

(10.000 - 2.000) : 500 x diện tích ao (ha) = 16 x 0,5 = 8 kW tương đương với 10,7 hp (ngựa)

Quạt nước phải được bố trí để tạo dòng nước xoáy tròn dồn chất thải vào giữa ao, hay tạo dòng nước đưa chất thải vào một góc ao để dễ hút hay xả ra qua cửa cống chìm. Vùng nước gần guồng nước được xáo trộn mạnh, ôxy dồi dào, còn vùng nước xa quạt thì ít bị xáo trộn, ít ôxy hơn. Chính vì vậy khi nước bẩn, thiếu ôxy thì sẽ thấy tôm tập trung ở vùng gần quạt nước.

Có thể chia ao ra thành ba vùng.

- Vùng đỏ: vùng chịu tác động mạnh của quạt nước, giàu ôxy nhưng dễ bị sói lở, đất cát ở đáy dễ bị cuốn sang vùng khác.

- Vùng chết: vùng nơi chất thải tập trung; ở vùng này ôxy khó xuống lớp đáy, nên dễ xảy ra trạng thái yếm khí, nguy cơ hình thành amôniac và hydrô suynphua rất cao. Tôm tránh tụ tập ở đây.

- Vùng xanh: nằm giữa vùng chết và vùng đỏ. Ở vùng này thì các khối phù du, vi khuẩn và thức ăn lơ lửng, nhưng đất cát đáy không bị khuấy lên. Đây là vùng tốt, mong muốn.

Một hệ thống quạt khí tốt phải đảm bảo giữ cơ chất mới lơ lửng nhưng không khuấy bùn đáy cũ lên đồng thời gôm chất thải càng gọn càng tốt, nghĩa là vùng đỏ và vùng chết càng ít càng tốt.

Tùy theo diện tích và hình dạng ao mà chọn số máy và phân bố máy. Công suất được chia đều cho số máy. Sau khi lắp đặt quạt nước thì nhất thiết phải thử tải (cường độ dòng/ampe). Nếu dòng lớn hơn tải tối đa của môtơ thì cần giảm số cánh quạt, còn nếu dòng thấp hơn thì cần tăng số cánh quạt. Để môtơ có thể dùng lâu dài thì tổng tải không được vượt quá 90 - 95% tải tối đa của môtơ. Thường các cánh quạt được lắp cách nhau 60 - 80 cm.

Với các ao rất nhỏ chỉ cần 1 quạt nước thì quạt phải để song song với cạnh ngắn của ao để tránh xói lở (Hình 1).

Hình 2 mô tả cách phân bố máy truyền thống là mô hình nối tiếp, đặt guồng nước theo đường viền bờ song song với bờ ao. Hình 3 mô tả mô hình song song rất phổ biến ở Thái Lan, Hình 4 mô tả mô hình chéo. Với cả 3 cách sắp xếp ở trên đều không thể giải quyết được vấn đề có một vùng chết ở giữa ao, nơi nước gần như tĩnh. Chất thải và đất cát tụ ở vùng này. Các chỉ số chất lượng nước rất kém và tôm không đến đây.

Kết quả trên máy tính cho thấy mô hình nối tiếp là mô hình dở nhất, vì không cải thiện được vùng chết, % vùng đỏ lớn nhất. Hai mô hình song song và chéo cho kết quả tốt do tăng được diện tích vùng xanh, giảm diện tích vùng sói lở.

Hình 1 Ao nhỏ 1 quạt nước.

Hình 2 Bố trí nối tiếp.

Hình 3 Mô hình song song.

Hình 2 Mô hình chéo.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nên số guồng nước có thể bị hạn chế, ít hơn công suất cần thiết. Trong trường hợp này không được thả tôm dày và có thể bố trí máy theo đề xuất dưới đây.

Để kiểm tra xem quạt nước đã được lắp đúng chưa thì hãy đổ ít saponin và chạy quạt nước. Nếu bọt tụ lại ở giữa ao là đúng.

Hình 5 Bố trí quạt nước trong ao vuông.

Hình 6 Bố trí quạt nước trong ao chữ nhật.

Xoáy nước do quạt nước làm bờ bao và đáy bị sói lở, rồi gom cả đất đá lẫn cặn bã vào giữa ao, tạo nên các đụn có thể cao đến 30 - 40 cm và chiếm đến 30 - 50 % diện tích ao. Biện pháp để hạn chế sự sói lở là

  1. Bờ bao dốc, được nện chặt và phủ bạt.
  2. Guồng nước đặt cách chân bờ bao tối thiểu 3 - 4 mét. Chiều quạt xoay phải đưa nước ra bờ chứ không đẩy nước vào bờ.
  3. Vùng đáy sát chân bờ phải được nện chặt, phủ bạt hay phủ đá sỏi.
  4. Không quạt tốc độ quá cao.

Hệ thống tắt mở quạt nước tự động

Quạt nước khi ôxy ở mức bão hòa ít có tác dụng. Việc áp dụng hệ thống tắt mở tự động điều khiển bằng đầu cảm ứng DO, cho phép tiết kiệm 66 % điện so với sử dụng điều khiển tự động theo giờ và 80 % điện so với tự tắt mở bằng tay. Tuy nhiên hệ thống điều khiển DO có giá khá cao.

Hình 5 Sự sói lở đáy ao.

Trở về

Dấu hiệu thiếu ôxy

  • Tôm nổi lên bề mặt đớp khí.
  • Tôm bỏ ăn.
  • Nước đột nhiên trở nên nâu, đen, xám. Tảo tàn nhanh chóng.
  • Mùi hôi của sự phân rã.
  • Trời nắng nóng hay trời âm u kéo dài, hay mưa lớn rất dễ dẫn đến thiếu ôxy.

Trở về

Thời gian quạt nước trong ngày

  • Từ 8 giờ tối đến 7 -8 h sáng vì khi mặt trời bắt đầu lặn là lúc nồng độ ôxy bắt đầu giảm do thiếu quang hợp. Không cần quạt ngay sau khi mặt trời lặn vì lúc đó ôxy vẫn còn cao.
  • Quạt lúc trời trời âm u do thiếu quang hợp hay lúc trời quá nóng.
  • Quạt nước khi mưa nhỏ. Nếu mưa lớn thì xả bớt lớp nước mưa bề mặt, rồi tiến hành quạt nước để tránh sự phân tầng ôxy, độ mặn và nhiệt độ.
  • Sau khi cho tôm ăn để giữ thức ăn lơ lửng, đồng thời dồn chất thải và thức ăn thừa vào giữa ao và thúc đẩy sự chuyển hóa amôniac độc hại do tôm thải ra thành nitrat vô hại.
  • Khi xử lý nước bằng hóa chất hay vi sinh.
  • Nuôi tôm kỹ thuật BIOFLOC thì cần quạt nước liên tục suốt ngày đêm trừ khi cho ăn.
  • Có thể giảm thời gian quạt nước lúc tôm còn nhỏ, nhưng khi tôm lớn, lượng thức ăn trên 50 kg/ha/ngày thì phải quạt nước thường xuyên.

Trở về

Ôxy trong mô hình nuôi tôm mật độ cao

Khi nuôi tôm mật độ cao thì lượng chất thải và thức ăn thừa rất lớn. Với mô hình nuôi tôm mật độ cao, thì việc trải bạt đáy ao, tăng cường cung cấp ôxy bằng guồng quạt nước kết hợp với máy khuấy dạng chân vịt hay hệ thống phân tán khí, đồng thời cung cấp cacbohydrat (đường, bột, cám...) là điều cần thiết để giữ được thức ăn lơ lửng, cũng như tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển thành thức ăn tự nhiên cho tôm. Kỹ thuật nuôi tôm mới này do các nhà khoa học Israel đưa ra, có tên là BIOFLOC, cho phép tiết kiệm nước, tăng mật độ tôm, tiết kiệm thức ăn và tăng năng suất.

Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

CN 1: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP. HCM

CN 2: 595/208A Cách mạng tháng 8, P.15, Q.10, TP. HCM

Điện thọai: 08-39700106, Đường dây nóng: 0985714580