SẢN PHẨM
Nano bạc
Kit đo nhanh
Kit đo chất lượng nước
Kit an toàn thực phẩm
Lấy mẫu khí thụ động
Lấy mẫu khí chủ động
Electrochemical research accessories
Dụng cụ điện hóa
Sách, Hộp thí nghiệm hóa
Dịch vụ
Cá cảnh
Tư vấn

 

TẠO MÀU NƯỚC

Tảo và vi khuẩn (hệ vi sinh vật) rất quan trọng trong kiểm soát chất lượng nước. Tảo cung cấp 90% ôxy trong nước và là thức ăn cho tôm nhỏ. Vi khuẩn có vai trò phân hủy chất thải và thức ăn thừa, khử khí độc, tái tạo protein từ nitơ trong chất thải làm thức ăn cho con nuôi. Màu nước là màu của tảo và vi khuẩn. Màu xanh là màu của tảo. Màu nâu là màu của vi khuẩn. Sự pha trộn tảo và vi khuẩn cho ra màu từ xanh lá, xanh da trời đến nâu vàng nhạt.

Tạo màu nước chính là gây dựng hệ vi sinh có lợi. Màu bã trà là màu của hỗn hợp tảo và vi khuẩn, màu được người nuôi tôm ưa thích. Hệ này rấtổn định,đảm bảo nước có chất lượng tốt.

Tảo không được quá dày, cũng không được quá thưa. Nếu tảo thưa, nước trong, thì tảo hại tầng đáy sẽ dễ phát triển. Ngước lại, tảo dày có thể dẫn đến thiếu ôxy về đêm.

Mật độ tảo liên quan trực tiếp với độ trong. Mật độ tảo tối ưu cho nước nuôi tôm cá ứng với độ trong 30 - 35 cm.

Để kiểm tra độ trong, ta dùng đĩa Sechi.

Đĩa Sechi là đĩa tròn đường kính 20 - 25 cm, mặt trên chia thành những rẻ quạt đen trắng, phía dưới gắn một vật nặng, phía trên gắn thước dây.

Thả đĩa xuống nước và cho đĩa từ từ chìm xuống cho đến khi nào không còn phân biệt được ranh giới giữa hai vùng trắng đen nữa thì đọc chỉ số trên thước dây.

Có thể gây màu nước bằng nhiều cách: bón phân vô cơ, hữu cơ, cám gạo, mật đường, bột gạo...

1. Gây tảo bằng phân bón hóa học N-P-K

Bón phân cần tiến hành 1-2 tuần trước khi thả giống.

Phân bón gồm đạm (nitơ), lân (phốtpho), kali, và các loại phân vi lượng. Các loại phân này có thể được trộn lẫn thành phân hỗn hợp. Nên đánh cám, bột, gỉ đường kèm với phân.

Phân bón có thể ở dạng hạt, hay nước. Phân dạng hạt khi rải sẽ rơi xuống đáy ao và tan từ từ, nhưng phần lớn phân phốt phát sẽ bị bùn đáy hấp thu nên khó tan trở lại vào nước. Phân bón ở dạng lỏng có hiệu quả hơn vì tan ngay, do đó nên hòa tan phân vào nước rồi phun xuống ao. Với phân bón dạng lỏng thì cũng phải pha loãng nhiều lần rồi mới phun.

Hàm lượng đạm, lân và kali trong một số phân bón phổ biến được cho trong Bảng. Dựa trên hàm lượng này để chọn loại phân sao cho tiết kiệm chi phí và tính được lượng phân bón cần dùng.

Phân NPK 5-20-5 có nghĩa là hàm lượng N là 5%, P2O5 là 20%, K2O là 5%.

Với ao nuôi tôm thì nên dùng các loại phân nitơ, phốtpho và kali riêng biệt để dễ tính.

Với các ao nước ngọt thì lượng phân bón là 2 - 8 kg P2O5/ha và 1- 2 kg N/ha. Lựa chọn dễ nhất là DAP (18-47-0) với mật độ bón 10 - 20 kg/ha trong khoảng thời gian 2 - 4 tuần. Lượng tảo sẽ tăng 2 - 10 lần so với ao không được bón phân. Chú ý không được bón nhiều, vì tảo sẽ bùng phát quá mức cần thiết, gây bất lợi.

Thành phần N, P, K (%) trong phân bón hóa học
Loại phân N P2O5 K2O
Urê 45 0 0
Amôni nitrat, NaNO3 35 0 0
Amôni sunphat 22 0 0
Natri nitrat 16 0 0
Canxi nitrat/kali nitrat 14 0 0
Superphosphate đơn (SSP) 0 16-20 0
Triple Superphosphate (TSP) 0 45 0
Monoamonium phosphate (MAP) 11 52 0
Diamonium phosphate (DAP) 18 47 0
Amonium polyphosphate 10-13 34-37 0
KCl 0 0 57

Với nước lợ thì cần nitơ nhiều hơn, N:P = 2:1, hay N:P2O5= 2:2,3. Lượng nitơ bón là 2 - 4 kg/ha/ngày, còn P2O5 sẽ là 2,3 - 4,6 kg/ha/ngày. Lượng Nitơ 2 - 4 kg/ha/ngày tương đương với 4,5 - 9 kg urê/ha/ngày hay 12,5 - 25 kg NaNO3/ha/ngày . P2O5 2,3 - 4,6 kg/ha tương đương với 5 - 10 kg TSP, hay 14,5 - 29 kg SSP.

Lưu ý không bón các loại phân có chứa amôniac và urê khi trong ao đã có con nuôi, vì amôniac làm con nuôi mệt mỏi, chậm lớn.

Bón phân gây tảo khuê (tảo silic, diatom): Một số nghiên cứu cho thấy tảo khuê nâu là nguồn thức ăn rất tốt cho tôm. Tỉ lệ N:P tối ưu cho sự phát triển của tảo khuê là 20:1. Tảo khuê ưa nitrat hơn là amôniac. Lượng NaNO3 bón là 10 - 20 kg/ha/ngày. Nếu hàm lượng silic trong nước dưới 1 mg/l thì cần bón thêm silicat natri (Na2SiO3) 50 - 100 kg/ha/ngày.

Sắt thúc đẩy sự phát triển của tảo. Tuy nhiên muối sắt dễ bị kết tủa nên sắt ở dạng phức sẽ có tác dụng tốt hơn. Do đặc điểm địa chất nên đất vùng đồng bằng sông Cửu long chứa khá nhiều sắt, việc rải EDTA là nhằm giữ sắt trong nước cho tảo phát triển.

Tuy nhiên, tảo nuôi bằng các phân bón vô cơ kém bền; dễ sụp. Ngoài ra, nếu dùng các loại phân chứa amonia sẽ phải chờ cho đến khi hết amoniac mới được thả giống, vì amôniac là chất độc cho tôm.

Phân đạm làm tăng nồng độ khí độc amôniac trong nước

Urê và các loại phân chứa amoni làm tăng TAN (amôniac tổng). Amôniac là vấn đề quan ngại nhất trong ao tôm. Nồng độ amôniac tự do trên 0,1 mg/l (ứng với TAN = 4 mg/l ở pH 7,5, 1 mg/l ở pH 8, 0,5 mg/l ở pH 8,5...) đã làm giảm sự tăng trưởng của tôm. Bón phân trong lúc ao đã có tôm sẽ rất bất lợi cho tôm. Dùng cám gạo và gỉ đường để nuôi tảo sẽ lợi hơn nhiều.

Tên Công thức hóa học % TAN
Urê CO(NH4)2 57
Amôni Nitrat NH4NO3 21
Amôni Sunphat (NH4)2SO4 26
Monoamonium phosphate (MAP) NH4H2PO4 15
Diamonium phosphate (DAP) (NH4)2HPO4 26
Amonium polyphosphate    
Kali nitrat KNO3 0
Natri nitrat NaNO3 0

Trở về

2. Gây tảo bằng phân hữu cơ

Phân hữu cơ như phân xanh, bột đậu nành, cám gạo, bột cá thúc đẩy nhanh sự phát triển của tảo. Thông thường rải với mật độ 25 - 50 kg/ha/ngày thì tảo sẽ bùng phát sau 4-5 ngày. Không nên dùng phân chuồng, phân gà; vì các loại phân này dễ mang theo vi khuẩn gây bệnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cám gạo hay cám gạo trộn bột gạo với tỉ lệ 1:1 tốt nhất để gây màu nước. Nước sẽ có màu bã trà cho thấy cám gạo thúc đẩy hệ vi sinh hỗn hợp tảo - vi khuẩn..

3. Tảo, vi sinh tôm

Rất khó kiểm soát loại tảo sẽ phát triển. Hai ao cạnh nhau, cùng một chế độ chăm sóc, nhưng tảo và vi sinh có thể khác nhau cả về số lượng lẫn chủng loại do mầm tảo và vi khuẩn trong hai ao có thể khác nhau. Tốt nhất là lấy một phần nước ở ao đã có màu đẹp, cho vào ao mới và rải cám để thúc đẩy tảo và vi sinh có lợi phát triển.

Sau 2 - 4 tuần, hệ tảo - vi khuẩn đã phát triển, nước đã có màu tốt, (vàng nâu hoặc nâu lục), độ trong đạt 25-40 cm thì thả tôm giống. Việc bón phân không cần thiết nữa, vì chất thải và thức ăn thừa là dưỡng chất cho tảo và vi sinh phát triển.

Tôm nhỏ chủ yếu ăn phiêu sinh. Tôm lớn dần, cần nhiều thức ăn hơn nên khoảng 7-10 ngày sau thì tảo trong ao có thể cạn dần, khi đó cần bổ xung cám để cám ổn định màu nước, đảm bảo không bị gián đoạn nguồn thức ăn tự nhiên. Trong vòng 20-30 ngày đầu không cần cho ăn thêm thức ăn công nghiệp.

Trong trường hợp mật độ thả cao 50 con/m2 trở lên, nguồn thức ăn tự nhiên có thể không đủ, cần cho thêm thức ăn công nghiệp thích hợp dành cho tôm giống. Thức ăn này cũng là dưỡng chất cho tảo và vi khuẩn phát triển, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm.

Giai đoạn đầu không được cho tôm ăn thức ăn tươi sống như cá, nhuyễn thể, trứng nghiền vì tôm con chưa ăn được, mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật có hại phát triển, vô tình phá vỡ cơ cấu sinh thái nước ao.

Top

4. Vai trò của Sắt

Sắt rất cần cho sự phát triển của tảo. Tuy nhiên sắt trong nước rất thấp. Nước biển và nước lợ chứa sắt dưới 0,010 mg/l. Các phân bón có ôxit sắt hay muối sắt, nhưng do ôxit sắt khó tan và muối sắt dần dần kết tủa xuống đáy, do đó cần đánh EDTA để giữ sắt tan trong nước.

Các kết tủa sắt dưới đáy có tác dụng tốt. Chính sắt sẽ hấp thu khí độc H2S, tạo thành kết tủa, nên làm giảm khí độc sunphua trong nước.

Xem EDTA

Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ

Sở Khoa học Công nghệ - Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh

CN 1: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, TP. HCM

CN 2: 595/208A Cách mạng tháng 8, P.15, Q.10, TP. HCM

Điện thọai: 08-39700106, Đường dây nóng: 0985714580